Đại Tư Bản – Tủ Phim Nền Tảng

Một bộ phim tài liệu nổi tiếng tái dựng lại một thời kỳ lịch sử huy hoàng của nước Mỹ (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) với quá trình thành lập những đế chế của các nhà Đại tư bản. Bộ phim được sản xuất năm 2012 nhưng mãi đến hôm nay tôi mới được xem sau lời giới thiệu của một người bạn. Bộ phim dài 8 tập, tôi đã phải thức 3 đêm liền, vừa xem vừa dừng lại để nhớ và đối chiếu với kiến thức lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới trong cùng gia đoạn.

Tôi sẽ không nhận xét về mặt điện ảnh, vì tôi thích nó. Đã thích thì kiểu gì chẳng khen. Nên tôi sẽ chia sẻ những ấn tượng mà bộ phim mang lại. Ấn tượng về những con người vĩ đại đã xây dựng nên những đế chế vĩ đại. Và nó là niềm hứng khởi vô tận, có giá trị lịch sử lớn lao mà bất cứ quốc gia lập quốc nào cũng nên học hỏi trên hành trình của mình.

Đường sắt, dầu khí, thép, điện, tài chính

Nhà đại tư bản đầu tiên xuất hiện, cũng là thế hệ đầu tiên, chính là ông vua đường sắt Vanderbilt. Đế chế của ông đã bao phủ đường sắt khắp mọi miền nước Mỹ. Đường sắt thúc đẩy giao thương, đường sắt kết nối con người. Và một bài học lịch sử đáng giá cho bất cứ quốc gia nào muốn trở nên hùng cường, đầu tiên cần phải có cơ sở hạ tầng giao thông tốt, mà ngày nay người ta mở rộng thành khái niệm logistics.

Vào những thập niên cuối thế kỷ 19, con người còn chưa phát minh ra điện. Họ dùng dầu hỏa để thắp sáng. Và ông trùm tư bản Rockefeller đã xây dựng nên đế chế Standard Oil vĩ đại trên nhu cầu khát dầu hỏa. Mãi đến khi Edison và Tesla đưa đèn điện vào từng hộ gia đình, thì dầu hỏa mới không còn được sử dụng nhiều. Nhưng thay vào đó, Standard Oil lại chuyển sang bán xăng và các phế phẩm của dầu khí.

Nước Mỹ thay da đổi thịt với các tòa nhà chọc trời, nhờ thép của ông vua thép Carnegie. Sau này Carnegie đã bán lại đế chế của mình – công ty US Steel cho ông trùm tài chính J.P. Morgan với giá 480 triệu đô la – một số tiền kỷ lục thời bấy giờ.

J.P. Morgan sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống tài chính, bố ông là một chủ nhà băng khá giả nhưng lại không bao giờ vươn tới tầm vĩ đại, vì ông luôn tự đặt mình trong vòng an toàn. J.P. Morgan thì không như thế, ông thông minh, nhanh bén, quyền uy, dám mạo hiểm, chính những điều này đã giúp ông trùm tài chính thâu tóm US Steel và biến ông thành ông vua điện. J.P. Morgan là nhà đầu tư của cả Edison lẫn Tesla, đưa ánh đèn điện vào nhà mỗi hộ gia đình.

Bốn nhà đại tư bản vĩ đại đã lập nên những đế chế vĩ đại, đặt nền móng cho sự hùng cường của nước Mỹ mãi về sau, bao gồm: đường sắt, dầu khí, thép, điện và tài chính. Và cho đến tận hôm nay, 5 ngành này vẫn là những ngành chủ đạo để đánh giá sức mạnh của một quốc gia.

Sự tiến hóa nhân văn của các nhà đại tư bản

Thương trường như chiến trường, đó là nơi không cho phép bạn dừng lại hay lùi bước. Dừng lại nghĩa là chết. Thương trường là nơi đầy rẫy những cạm bẫy, nơi mà những con cá mập sẵn sàng nhe nanh nhai xé con mồi khi có cơ hội.

Như câu nói trong tiểu thuyến Bố già của Mario Puzo “đằng sau mọi tài sản kếch xù là tội ác”. Để xây nên những đế chế vĩ đại, bàn tay các nhà đại tư bản cũng nhuộm đầy máu của đối thủ và của người lao động. Nhưng khi họ đạt đến đỉnh vinh quang, họ đều tiến hóa.

Vua thép Carnegie bán công ty US Steel với cái giá khổng lồ 480 triệu đô la, ông đã dùng 350 triệu đô để làm từ thiện. Rockefeller dùng phần đời còn lại cho các công việc từ thiện. J.P. Morgan cũng dùng tiền của mình để cứu kinh tế nước Mỹ vượt qua khủng hoảng và nhiều việc làm ý nghĩa khác.

Tất cả họ đều tiến hóa rất nhân văn. Khi họ đạt đến đỉnh vinh quang, họ đều nhận thấy rằng tiền không phải là tất cả. Có những điều ở cuộc sống còn đáng giá hơn tiền.

Họ – những con người mở đường về kinh tế & công nghệ. Và họ cũng là hình mẫu cho các nhà tỷ phú ngày nay trong việc làm từ thiện. Có thể nói, những con người đó đã để lại di sản lớn lao cho hậu thế, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Mỹ – một nhà nước pháp quyền

Không còn nghi ngờ gì về những tinh hoa lập quốc của nước Mỹ, những con người kiệt xuất đã xây nên nền móng bằng một bộ hiến pháp xuất sắc, tạo nên nước Mỹ là một điển hình của nhà nước pháp quyền (the rule of law), với mọi cá nhân và tổ chức khi tham gia vào nó, đều là pháp nhân.

Dù gần một tuần trôi qua từ khi xem bộ phim, tôi vẫn bị ảm ảnh bởi phiên tòa Chính phủ liên bang kiện ông trùm dầu khí Rockefeller đã vi phạm độc quyền. Tòa án – đó là nơi mà mọi cá nhân và tổ chức khi đứng trước nó đều mang danh nghĩa là pháp nhân, tất thảy đều bình đẳng trước tòa.

Một chi tiết nữa, bộ ba Rockefeller, Carnegie, J.P. Morgan đã liên kết, dùng tiền và quyền lực của mình để dựng nên và thao túng tổng thống McKinley. Tưởng như đó là dấu chấm hết cho nền dân chủ Mỹ, thì lập tức xuất hiện một chính trị gia đối lập – Theodore Roosevelt đập tan sự thao túng kinh khủng này, và kiện họ ra tòa.

Nước Mỹ là vậy, luôn có những tư tưởng đối lập & khác biệt, nảy nở & phát triển, để cân bằng lại một khi cỗ máy đi lệch hướng. Tôi cho rằng đó là sự ổn định trong sự bất ổn định.

Henry Ford – Nhà tư bản kiểu mới

Giai cấp tư bản Mỹ với những cái tên huyền thoại như Vanderbilt, Rockefeller, Carnegie, J.P. Morgan đã đánh dấu một thời kỳ lịch sử huy hoàng của Chủ nghĩa tư bản. Ngoài những kiến tạo vĩ đại và di sản lớn lao họ để lại, thì họ vẫn là đại diện cho một thời kỳ tư bản sơ khai “cá lớn nuốt cá bé”.

Henry Ford – ông chủ hãng xe Ford là nhà tư bản đại diện cho một thế hệ mới với những giá trị mới, công bằng hơn, đúng luật hơn, ít bóc lột hơn, tử tế với người lao động hơn.

Và đó cũng chính là sự tiến hóa của CNTB, đặt nền móng cho những tập đoàn tư bản ngày nay biết trân trọng những giá trị nhân bản, quan tâm hơn đến đời sống của người lao động. Mối quan hệ ông chủ-người làm đang dần bị xóa bỏ, để thay thế bằng một mối quan hệ win-win. Thậm chí nhiều công ty còn xem đó là giá trị cốt lõi. Như “Put people first” – core value của một tập đoàn nổi tiếng thế giới là một ví dụ sống động.